Dàn ý tham khảo:
1. Khái niệm: Lí tưởng sống (lẽ sống) là cái đích của cuộc sống mà mỗi con người khát khao muốn đạt được.
2. Biểu hiện của lí tưởng sống
– Luôn suy nghĩ và hành động không mệt mỏi
– Luôn vươn tới sự hoàn thiện bản thân
– Mong muốn cống hiến cho sự nghiệp chung
3. Ý nghĩa của lí tưởng sống
– Với bản thân: Tự hoàn thiện bản thân về mọi mặt.
– Với xã hội: Góp phần thực hiện tốt những nhiệm vụ chung của xã hội.
=> luôn được mọi người tôn trọng.“
Như vậy, Lí tưởng sống là mục đích hướng tới của cuộc sống .Nó có khi là một hình ảnh cụ thể (như trở thành một người lãnh đạo quốc gia, thành cô giáo….), cũng có khi chỉ là những ý niệm, những phẩm chất(như xây dựng đất nước giàu mạnh, tạo dựng được sự nghiệp, danh tiếng …). Lí tưởng vừa có tính chất hiện thực (bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, hoàn cảnh cá nhân, chịu sự chi phối của các chuẩn mực xã hội) đồng thời lại có tính lãng mạn (thể hiện ước mơ, sự tưởng tượng về tương lai). Khái niệm Lí tưởng sống cũng bao hàm nghĩa tích cực (sống đẹp).
Chính vì đặc điểm đó, lí tưởng có tác dụng to lớn là Kim chỉ nam cho mọi hành động, suy nghĩ của con người, là Động lực thúc đẩy con người phấn đấu không ngừng nghỉ để đạt được lý tưởng đó, để biến lí tưởng trở thành hiện thực. Câu nói của nhà văn trong đề bài đã nhấn mạnh đến tác dụng đầu tiên đó: là Kim chỉ nam, định hướng, dẫn dắt mọi hành động, suy nghĩ của con người.
Khái niệm “cuộc sống” ở đây được hiểu theo nghĩa “sự tồn tại có ý nghĩa” của con người. Chính lí tưởng sống, mục đích sống cao đẹp là nhân tố quan trọng tạo nên ý nghĩa của cuộc sống, soi sáng cho mỗi người trên con đường học tập, lao động. Lí tưởng sống giúp con người tránh bị mất phương hướng trong cuộc đời, có được mục tiêu rõ ràng để phấn đấu, để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nó nâng đỡ, thúc đẩy ta trên mỗi bước đường đời (nhất là những khi thất bại, chán nản).
Em có thể kể một số ví dụ về những người đã sống có lí tưởng và vai trò của lí tưởng trong cuộc sống: Bác Hồ (rất tiêu biểu), anh Nguyễn Văn Thạc, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Trỗi (với câu nói bất hủ: Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”)….. và cả những tấm gương doanh nhân hiện đại hay cả những người bình dị nhưng vẫn hàng ngày làm những công việc có ích cho cuộc đời… Trong văn học thì có thể kể đến Pavel Corsaghin trong Thép đã tôi thế đấy.
Cuối cùng, em có thể nêu ý nghĩa của câu nói và rút ra bài học cho bản thân: xác định mục đích, lí tưởng của người thanh niên Việt Nam hiện đại. Vấn đề này, bản thân nó đã là một đề tài được bàn luận rất sôi nổi. Em có thể tham khảo các bài viết đó nhưng vẫn nên trình bày những suy nghĩ và cảm nhận chân thực của cá nhân, dù lí tưởng của mình không “cao xa kì vĩ”(mà thực ra, đâu nhất thiết phải lớn lao kì vĩ thì mới là lí tưởng đẹp).